HIỂU VỀ BỆNH PARKINSON

Bệnh Parkinson là gì?

Bình thường chúng ta cử động nhanh nhẹn, linh hoạt là do các tế bào thần kinh khỏe mạnh trong não điều khiển. Trong đó, có một số tế bào thần kinh sản xuất ra một chất hóa học gọi là dopamin. Chính dopamin này giúp cho não của chúng ta điều khiển các cử động nhanh nhẹn ấy.

Khi bạn bị bệnh Parkinson, các tế bào thần kinh này chết dần nên chất dopamin cũng giảm dần. Do đó bạn không còn cử động nhanh nhẹn như trước nữa mà chậm chạp, khó khăn hơn.

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa tiến triển của não. Tiến triển có nghĩa là nặng dần theo thời gian, nhưng thường xảy ra chậm qua nhiều năm. Nếu được điều trị tốt, người bệnh có thể có cuộc sống tốt.

Điều gì gây nên bệnh Parkinson?

Chưa ai biết chính xác tại sao các tế bào thần kinh sản xuất dopamin lại bị chết. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra câu trả lời. Tuy nhiên, yếu tố gen và môi trường được hướng đến nhiều nhất. Chỉ một tỉ lệ nhỏ người bệnh Parkinson có cha mẹ, anh hoặc chị có bệnh. Tuy nhiên, bất thường gen thường chỉ gặp ở vài gia đình có bệnh Parkinson khởi phát ở người trẻ.

Yếu tố nào dễ đưa đến bệnh Parkinson?

Khó xác định yếu tố nguy cơ cho bệnh Parkinson vì nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuổi là yếu tố nguy cơ duy nhất được biết đến. Sau 50 tuổi, tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh Parkinson (5%) khởi phát ở người trẻ.

Một số trường hợp người bệnh Parkinson có họ hàng gần cũng mắc bệnh. Tuy nhiên, tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson có làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay không vẫn chưa rõ. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson thì người trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên tỉ lệ dạng bệnh này thấp. Một số nghiên cứu cho rằng tiếp xúc lâu dài với vài yếu tố môi trường như thuốc trừ sâu, hóa chất… có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh.

Triệu chứng của bệnh Parkinson là gì?

4 triệu chứng chính:

  • Run khi nghỉ
  • Đơ cứng
  • Cử động chậm
  • Rối loạn thăng bằng tư thế

Các triệu chứng khác có thể gặp ở người bệnh Parkinson:

  • Chữ viết khó khăn, nhỏ dần
  • Vọp bẻ (chuột rút), đau
  • Da nhờn và gàu nhiều
  • Rối loạn tiêu hóa: táo bón, chảy nước dãi
  • Rối loạn đường tiểu: tiểu không kiểm soát, tiểu khó
  • Rối loạn sinh dục: giảm ham muốn tình dục, bất lực
  • Huyết áp: tụt huyết áp tư thế
  • Mất ngủ: do khó xoay trở, lo lắng, trầm cảm

Bệnh Parkinson được chẩn đoán như thế nào?

Việc chẩn đoán bệnh Parkinson hoàn toàn dựa vào các triệu chứng kể trên. Trong một vài trường hợp, Bác sĩ có thể thử điều trị để xem thuốc hiệu quả trên người bệnh thế nào, từ đó biết người đó có phải bị bệnh Parkinson hay không.

Không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh Parkinson, các xét nghiệm chỉ giúp loại trừ các bệnh có triệu chứng giống Parkinson. Ví dụ: chụp MRI để xem người bệnh có bị đột quỵ hay u não không…

Bệnh Parkinson chia làm mấy giai đoạn?

Giai đoạn sớm: Run hoặc đơ cứng nhẹ, chỉ một bên cơ thể, nhưng có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.

Giai đoạn trung bình: Cử động chậm, run vừa, thường ở hai bên cơ thể, nhưng còn đáp ứng tốt với điều trị

Giai đoạn nặng: Cử động rất chậm dù được điều trị, tư thế bất thường, hoạt động sống hàng ngày khó khăn, xuất hiện tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Thời gian tiến triển từ giai đoạn nhẹ đến nặng rất thay đổi theo từng bệnh, không ai có thể biết chính xác là bao lâu, có người bệnh chỉ dậm chân ở giai đoạn sớm, nhưng cũng có người bệnh chuyển sang giai đoạn nặng sau 5-7 năm. Tuy vậy, việc thay đổi lối sống, tập luyện, uống thuốc, phẫu thuật có thể cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh.

Những biến chứng gì xảy ra với người mắc bệnh Parkinson?

Các biến chứng thường xảy ra ở những người bệnh Parkinson giai đoạn trễ, bao gồm:

Té ngã: rất thường gặp, gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.

Sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ)

Nhiễm trùng phổi, đường tiểu

Sụt cân, suy kiệt

Ngoài ra còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc levodopa như dao động vận động, loạn động. Biến chứng này thường khó tránh vì hầu hết người bệnh đều cần điều trị levodopa cho một thời gian dài.

Bệnh Parkinson điều trị được không?

Cho đến nay vẫn chưa có phương thức nào chữa lành bệnh Parkinson, nhưng có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát tốt triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Các thuốc dùng trong điều trị bệnh Parkinson:

  • Levodopa (Madopar, Syndopar, Sinemet)
  • Thuốc đồng vận dopamine (Sifrol, Trivastal, Neupro)…
  • Thuốc kháng cholinergic như Trihexyphenydil (Artane, Trihex)…
  • Ức chế MAO-B (Selegiline…)
  • Amatadine

Phẫu thuật kích thích não sâu: cũng có hiệu quả trong một số trường hợp người bệnh còn đáp ứng với thuốc nhưng có nhiều biến chứng do thuốc gây ra. Phẫu thuật được sử dụng nhiều nhất hiện nay là phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu.

Dinh dưỡng cũng hỗ trợ trong điều trị bệnh Parkinson, nhưng chưa có loại nào được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, điều quan trọng là có một chế độ ăn cân bằng để giữ sức khỏe tốt.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng vận động, chức năng nói, nuốt… là rất hữu ích tùy từng giai đoạn của bệnh.

Bài viết khác

RỐI LOẠN TƯ THẾ TRONG BỆNH PARKINSON

RỐI LOẠN TƯ THẾ TRONG BỆNH PARKINSON

Những thay đổi tư thế này có thể là gù hay vẹo cột sống, nghiêng cột sống sang bên, gập cổ hay gập toàn bộ cơ thể về phía trước. Tăng trương lực cơ trong bệnh Parkinson cũng ảnh hưởng một......

RỐI LOẠN ĐI TIỂU TRONG BỆNH PARKINSON

RỐI LOẠN ĐI TIỂU TRONG BỆNH PARKINSON

Các triệu chứng ngoài vận động với biểu hiện rối loạn hệ thần kinh tự chủ, như rối loạn nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, chức năng tình dục, chức năng tiêu hóa và tiết niệu. Những triệu.........

PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ TRONG BỆNH PARKINSON

PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ TRONG BỆNH PARKINSON

Người bệnh Parkinson có nguy cơ té ngã cao gấp đôi so với những người cùng lứa tuổi. Té ngã thường dẫn đến vết thương nhỏ nhưng cũng có thể nghiêm trọng hơn như gãy xương, ảnh hưởng...