THÔNG TIN CHO BỆNH NHÂN PARKINSON

THÔNG TIN CHO BỆNH NHÂN PARKINSON

BS Trần Ngọc Tài, Khoa thần kinh BV. Đại Học Y Dược

 

Yếu tố nào dễ đưa đến bệnh Parkinson?

Khó xác định yếu tố nguy cơ của bệnh Parkinson vì nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ.

Tuổi: là yếu tố nguy cơ duy nhất được biết đến. Tuổi khởi bệnh trung bình là 60 tuổi. Đối với dân số trên 50 tuổi thì, tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh Parkinson (5%) khởi phát ở người trẻ.

Một số trường hợp bệnh nhân Parkinson có họ hàng gần cũng mắc bệnh. Tuy nhiên, tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson có làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay không vẫn chưa rõ. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson người trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên tỉ lệ dạng bệnh này thấp.

Một số nghiên cứu cho rằng tiếp xúc lâu dài với vài yếu tố môi trường như thuốc trừ sâu, hóa chất… có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh.

Triệu chứng của bệnh Parkinson là gì?

Bao gồm 4 triệu chứng chính:

Run có thể là triệu chứng đầu tiên làm bạn chú ý. Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh. Run thường khởi đầu ở một tay hoặc chân hoặc chỉ một bên của cơ thể. Run tăng khi người bệnh nghỉ ngơi ở trạng thái thức, run giảm khi vận động chi hoặc khi ngủ. Các stress tâm lí hoặc thực thể có thể làm run nhiều hơn. Cần phân biệt run trong các bệnh lý khác, với đặc điểm run thường xuất hiện khi cử động chi và giảm khi chi đó ở trạng thái nghỉ.

Đơ cứng: Một trong những triệu chứng sớm thường gặp nhất trong bệnh Parkinson là cánh tay giảm đong đưa một bên khi đi. Điều này do cơ bị đơ cứng. Đơ cứng cơ cũng có thể ảnh hưởng các cơ mặt, chân, cổ hoặc những nơi khác của cơ thể. Đơ cứng có thể làm cho các cơ mỏi và đau.

Cử động chậm: đặc biệt khi bệnh nhân cố gắng cử động từ một tư thế nghỉ. Ví dụ: bệnh nhân khó ra khỏi giường, đang ngồi khó đứng lên. Cử động chậm ở mặt, họng làm cho bệnh nhân khó nói, khó nuốt, từ đó bệnh nhân dễ ho, sặc, chảy nước dãi, nói giọng nhỏ và đơn giọng. Giảm cử động các cơ mặt có thể tạo ra vẻ mặt ít biểu lộ cảm xúc, như tượng, còn gọi là “mặt nạ Parkinson”.

Rối loạn dáng đi và thăng bằng: Bệnh nhân Parkinson thường đi bước ngắn và lê chân với hai chân sát vào nhau, hông gập nhẹ (stooped posture), và xoay người khó khăn. Rối loạn thăng bằng và tư thế có thể làm cho bệnh nhân dễ té ngã. Tuy nhiên, rối loạn này thường xuất hiện trễ trong diễn tiến của bệnh.

Mỗi triệu chứng kể trên có thể xuất hiện sớm ở người này, trễ ở người kia.

Các triệu chứng khác có thể gặp ở bệnh nhân Parkinson:

Chữ viết khó khăn, nhỏ dần

Vọp bẻ

Da nhờn và gàu nhiều

Rối loạn tiêu hóa: bón, chảy nước dãi

Rối loạn đường tiểu: tiểu không kiểm soát, tiểu khó

Huyết áp: tụt huyết áp tư thế

Mất ngủ: do khó xoay trở, lo lắng, trầm cảm

Bệnh Parkinson chia làm mấy giai đoạn?

Giai đoạn sớm: Run hoặc đơ cứng nhẹ, chỉ một bên cơ thể, nhưng có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.

Giai đoạn trung bình: Cử động chậm, run vừa, thường ở hai bên cơ thể, nhưng còn đáp ứng tốt với điều trị

Giai đoạn nặng: Cử động rất chậm dù được điều trị, tư thế bất thường, hoạt động sống hàng ngày khó khăn, xuất hiện tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Thời gian tiến triển từ giai đoạn nhẹ đến nặng rất thay đổi theo từng bệnh nhân, không ai có thể biết chính xác là bao lâu, có bệnh nhân  chỉ ổn định ở giai đoạn sớm, nhưng cũng có bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng sau 5-7 năm. Tuy nhiên, thay đổi lối sống, tập luyện, uống thuốc, phẫu thuật có thể cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh.

Những biến chứng gì xảy ra với người mắc bệnh Parkinson?

Các biến chứng thường xảy ra ở những bệnh nhân Parkinson giai đoạn trễ, bao gồm:

Té ngã: rất thường gặp, gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.

Sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ)

Nhiễm trùng phổi, đường tiểu

Sụt cân, suy kiệt

Ngoài ra còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc levodopa như dao động vận động, loạn động. Biến chứng này thường khó tránh vì hầu hết bệnh nhân đều cần điều trị levodopa trong một thời gian dài.

Bệnh Parkinson điều trị được không?

Cho đến hiện nay, vẫn chưa có phương thức nào chữa lành bệnh Parkinson. Nhưng có vài loại thuốc có thể kiểm soát được triệu chứng và giúp cho người bệnh sống thoải mái hơn.

Các thuốc dùng trong điều trị bệnh Parkinson:

  • Levodopa (Madopar, Syndopar, Sinemet)
  • Thuốc đồng vận dopamine (Sifrol, Trivastal)…
  • Thuốc kháng cholinergic như Trihexyphenydil (Artane, Trihex)…
  • Ức chế MAO-B (Selegiline…)
  • Amatadine

Vài nghiên cứu cho thấy, một số loại thuốc có khả năng làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, vài nghiên cứu khác lại chưa công nhận hiệu quả này.

 Phẫu thuật: cũng có thể hiệu quả trong một số trường hợp điều trị bằng thuốc không còn tác dụng hoặc thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ. Ví dụ: thuật gắn điện cực kích thích não sâu, phẫu thuật ghép mô trung não của phôi người vào não bệnh nhân.

Vài loại dinh dưỡng được đưa ra như là phương pháp điều trị bệnh Parkinson, nhưng chưa có loại nào được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, điều quan trọng là có một chế độ ăn hợp lý để giữ sức khỏe tốt.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hướng nghiệp, chức năng nói, nuốt… là rất hữu ích tùy từng giai đoạn của bệnh.

Khi nào bắt đầu điều trị bệnh Parkinson?

Như đã nói, điều trị bệnh Parkinson chỉ cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Cho nên, khi nào triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hàng ngày thì mới bắt đầu điều trị.

Khi bắt đầu điều trị, nên chọn thuốc nào? Cho đến nay, levodopa vẫn là thuốc có hiệu quả nhất trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson. Trong nhiều năm, các bác sĩ vẫn ưu tiên dùng levodopa ở giai đoạn sớm của bệnh. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị, levodopa thường gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt là loạn động ở người trẻ. Do đó, khuynh hướng hiện nay, các bác sĩ thường khởi đầu dùng các thuốc nhóm đồng vận dopamin cho bệnh nhân Parkinson người trẻ với cử động chậm và dùng nhóm kháng cholinergic (như Artane) cho bệnh nhân Parkinson với triệu chứng run. Khi nào các thuốc này không còn cải thiện chức năng của bệnh nhân nữa thì sẽ chuyển sang dùng levodopa hoặc phối hợp thuốc.

Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?

Thường khi chúng ta biết mình có một bệnh mạn tính, tiến triển và không chữa khỏi thì hay có cảm giác lo lắng, buồn, sợ, bi quan. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng:

            - Không ai có thể biết bệnh của mình tiến triển như thế nào cả, nhưng thường là tiến triển chậm, nhiều người trải qua nhiều năm chỉ với triệu chứng rất nhẹ như run ở 1 tay.

            - Nhiều người bệnh Parkinson có thể tiếp tục làm công việc hiện tại nhiều năm. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh cần thay đổi công việc và được giúp đỡ để học cách thích nghi.

Điều quan trọng là người bệnh nên chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình, và nên học mọi thứ về bệnh của mình. Bạn cần tìm  một bác sĩ mà bạn tin tưởng để được tư vấn và điều trị.

Bạn cũng đừng nghĩ chỉ có mình bạn bị bệnh Parkinson mà có rất nhiều người mắc bệnh này. Bạn nên liên lạc với họ và lập thành nhóm để trao đổi kinh nghiệm cho nhau (thông qua bác sĩ của bạn).

Hãy sống chung với bệnh Parkinson

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Nhưng khi bệnh nặng dần theo thời gian, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Việc điều trị là rất hữu ích để giúp duy trì cuộc sống độc lập của bạn. Các phương pháp điều trị như đã trình bày ở trên là rất quan trọng và cần sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, điều trị tại nhà rất quan trọng, bao gồm:

Lựa chọn nơi ngủ nghỉ, sắp xếp đồ dung cá nhân cho phù hợp, dễ sử dụng.

Ăn uống lành mạnh

Tập thể dục

Run nhiều: luôn cầm vật gì đó trên tay để giảm run

Đông cứng (khởi đầu đi khó): bước theo một điểm đích trên sàn nhà…

Dinh dưỡng như thế nào là thích hợp cho bệnh nhân Parkinson?

Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, sinh tố khoáng chất là hợp lý cho mọi người chứ không riêng gì bệnh nhân Parkinson. Chế độ ăn cân bằng bao gồm: trái cây, rau quả, ngũ cốc, đậu, cá, gia cầm, thịt nạc và các thức ăn hàng ngày ít mỡ.

Giai đoạn sớm của bệnh, nên uống thuốc lúc no để giảm tác dụng phụ như buồn nôn, nôn. Khi bệnh tiến triển, uống thuốc ít nhất 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn có thể giúp thuốc tác dụng tốt hơn.

Đạm trong thức ăn có thể ngăn cản sự hấp thu levodopa, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Do đó, nên chia bữa ăn đạm thành nhiều lần, hoặc ăn vào ban đêm để cơ thể không bị thiếu đạm.

Bệnh Parkinson cũng như thuốc điều trị thường dễ gây bón. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau, quả, củ.

Trà, café và coca có thể làm run thêm, do đó bệnh nhân Parkinson thể run không nên uống những thứ này.

Tập thể dục và vật lý trị liệu trong bệnh Parkinson

Tập mỗi ngày 30 phút: đi bộ, bơi lội, aerobic…

Lợi ích:

  • Cải thiện sức cơ, phối hợp động tác, cải thiện tư thế, dáng đi
  • Duy trì và tăng tính dẻo dai
  • Tốt cho tim mạch
  • Giảm táo bón

 

Bài viết khác

RỐI LOẠN TƯ THẾ TRONG BỆNH PARKINSON

RỐI LOẠN TƯ THẾ TRONG BỆNH PARKINSON

Những thay đổi tư thế này có thể là gù hay vẹo cột sống, nghiêng cột sống sang bên, gập cổ hay gập toàn bộ cơ thể về phía trước. Tăng trương lực cơ trong bệnh Parkinson cũng ảnh hưởng một......

RỐI LOẠN ĐI TIỂU TRONG BỆNH PARKINSON

RỐI LOẠN ĐI TIỂU TRONG BỆNH PARKINSON

Các triệu chứng ngoài vận động với biểu hiện rối loạn hệ thần kinh tự chủ, như rối loạn nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, chức năng tình dục, chức năng tiêu hóa và tiết niệu. Những triệu.........

PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ TRONG BỆNH PARKINSON

PHÒNG NGỪA TÉ NGÃ TRONG BỆNH PARKINSON

Người bệnh Parkinson có nguy cơ té ngã cao gấp đôi so với những người cùng lứa tuổi. Té ngã thường dẫn đến vết thương nhỏ nhưng cũng có thể nghiêm trọng hơn như gãy xương, ảnh hưởng...