Loạn trương lực: các thông tin người bệnh cần biết

 

Loạn trương lực là gì?

Bệnh nhân loạn trương lực sẽ có các co rút hoặc co thắt cơ không chủ ý. Và điều này dẫn đến các cử động xoắn vặn hoặc giật và các tư thế bất thường của cơ thế. Loạn trương lực hầu như có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cơ thể. Thường gặp nhất là chỉ một vùng cơ thể bị ảnh hưởng. Một số loại loạn trương lực thường gặp bao gồm:

  • Những co rút ở cơ cổ dẫn đến tư thế đầu thường nghiêng, xoay và thường kèm theo cử động giật hoặc run. Tình trạng này được gọi là loạn trường lực cổ.
  • Co thắt cơ mặt dẫn đến chớp mắt quá mức được gọi là co thắt mi mắt. Triệu chứng có thể xảy ra ở phần dưới của mặt và được gọi là hội chứng Meige. Nếu hàm và/hoặc lưỡi bị ảnh hưởng thì được gọi là loạn trương lực hàm miệng.
  • Trong bệnh loạn trương lực phát âm co thắt bệnh nhân thường có giọng nói ngắt quãng hoặc giọng nói gió.
  • Những vùng khác cũng có thể xuất hiện loạn trương lực bao gồm bàn tay và bàn chân. Loạn trương lực ở bàn tay thường xảy ra liên quan với một thao tác nhất định nào đó như viết chữ hay chơi nhạc cụ.
  • Ở vài trường hợp, loạn trương lực xuất hiện ở một số vùng của cơ thể. Ở các trường hợp hiếm gặp, loạn trương lực khởi phát từ lúc nhỏ và xuất hiện ở nhiều vùng cơ thể và được gọi là loạn trương lực toàn thể.

Nguyên nhân của loạn trương lực là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra loạn trương lực. Một số người bệnh biểu hiện loạn trương lực do thừa hưởng gen bất thường gây bệnh. Một số khác phát bệnh sau khi mắc một bệnh khác như chấn thương não, nhiễm trùng não, hoặc sau khi phơi nhiễm với hóa chất hoặc thuốc. Một vài người bệnh xuất hiện loạn trương lực sau khi thực hiện lặp đi lặp lại một thao tác nào đó trong một thời gian dài như viết chữ (loạn trương lực bàn tay người viết) hoặc chơi nhạc cụ (loạn trương lực của nhạc công). Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của loạn trương lực là không rõ.

Loạn trương lực được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán loạn trương lực được đưa ra sau khi người bệnh được bác sĩ  (thường là một bác sĩ thần kinh chuyên về rối loạn vận động) thăm khám. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm máu hoặc chụp phim sọ não. Bác sẽ chẩn đoán dựa vào các thông tin:

  • Tuổi khởi phát của loạn trương lực
  • Các vùng cơ thể bị ảnh hưởng
  • Loạn trương lực khởi phát đột ngột hay từ từ nặng dần
  • Các tình trạng khác kèm theo

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bác sĩ không thể tìm ra chẩn đoán và bệnh nhân không được chẩn đoán chính xác ngay từ đầu. Một số bệnh nhân loạn trương lực nhẹ không đi khám cũng sẽ không được chẩn đoán.

Có biện pháp điều trị cho loạn trương lực?

Có thể sẽ có biện pháp điều trị. Nếu bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây ra loạn trương lực thì căn nguyên đó sẽ được điều trị. Nếu không có nguyên nhân nào được tìm thấy, một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng sẽ được sử dụng. Một số loại thuốc thường được dùng bao gồm:

  • Thuốc kháng cholinergics
  • Benzodiazepines
  • Baclofen
  • Các thuốc dãn cơ

Các thuốc sẽ được sử dụng dựa trên biện pháp điều trị thử, cân bằng giữa lợi ích và các tác dụng ngoại ý của thuốc. Tiêm botulinum toxin có thể hiệu quả trên một số bệnh nhân. Botulinum toxin chỉ nên được tiêm bởi các chuyên gia về rối loạn vận động. Botulinum toxin có thể tạm thời làm yếu các cơ và làm giảm bớt sự xuất hiện của các cơn co rút hay co thắt. Để tác dụng của botulinum toxin được duy trì, thuốc thường cần được chích 4 lần một năm. Nếu uống thuốc và tiêm toxin đều không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể lựa chọn phẫu  thuật. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu thêm về biện pháp điều trị này.

Tiên lượng của loạn trương lực thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, loạn trương lực tiến triển trong vài tháng, đôi khi là vài năm. Tình trạng này thường sẽ không tiếp tục nặng lên sau đó. Ở một số người bệnh, loạn trương lực có thể lan sang vùng khác của cơ thể hoặc xuất hiện thêm các vấn đề khác bên cạnh loạn trương lực.

(Nguồn: Hội bệnh Parkinson và RLVĐ thế giới;

Translator: Thuong Dang

Reviewer: Tai Tran

Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)

Bài viết khác

Bệnh Parkinson và những tiến bộ trong điều trị

Bệnh Parkinson và những tiến bộ trong điều trị

Ngày 9.4.2023, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TPHCM) phối hợp cùng Hội Bệnh Parkinson và Rối...

Thư mời tham dự buổi tư vấn cho người bệnh Parkinson 29/9

Thư mời tham dự buổi tư vấn cho người bệnh Parkinson 29/9

Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp nhất. Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi, nhưng cũng có đến 10% trường hợp người bệnh khởi...